the encudism: Đây là bài viết của tác giả Anh Ngọc đăng trên Tuối trẻ cuối tuần số mới nhất. Bài viết đề cập đến nước Ý thì không khó để nhận ra đây là Anh Ngọc của Thể Thao Văn Hóa, những ai thường xuyên đọc TTVH sẽ ko lạ tác giả này. Trước đây chúng ta chỉ biết đến sự tinh tế của người Ý qua thời trang, qua tính cách giờ sẽ biết thêm sự tinh tế của người Ý qua cách giáo dục trẻ nhỏ. Đối chiều với với Việt Nam yêu dấu của mình tự nhiên cảm thấy xót xa cho con em quá. Mặc dù nước Ý đang khủng hoảng nợ công, nợ nần chồng chất nhưng với cách giáo dục này thì trong tương lai những con người mới thừa sức đưa nước Ý trở lại vị thế giàu mạnh. Còn Việt Nam ta thì không biết đến bao giờ. Các vị lãnh đạo không cần nhìn qua Italia cho xa xôi, Singapore láng giềng là một ví dụ rõ nhất...
Nước
Ý suy thoái kinh tế và nền giáo dục của nó chịu ảnh hưởng nặng nề bởi
cuộc khủng hoảng ấy: ngân sách bị cắt giảm mạnh dẫn đến việc đội ngũ
giáo viên phải tinh giản biên chế và cơ sở hạ tầng không được nâng cấp.
Nhưng những giá trị cơ bản của nền giáo dục ở một đất nước đã sản sinh truyện Những tấm lòng cao cả (*) vẫn được bảo tồn.
Đến bây giờ, tôi vẫn không sao
quên được gương mặt đầy ngạc nhiên của bà hiệu trưởng ngôi trường tiểu
học trên đường Giovan Battista Valente gần nơi tôi sống ở Ý, khi tôi rất
vô tư hỏi cô rằng tại sao các cháu từ mẫu giáo lên lớp 1 mà lại không
phải học hành hay chuẩn bị một chút nào về kiến thức trong suốt ba tháng
hè trước năm học mới.
Đó là khi năm học mới của con
bé nhà tôi sắp bắt đầu, năm đầu tiên nó cắp sách đến lớp, sau một năm
rưỡi theo học mẫu giáo cũng ở ngôi trường ấy. Tôi vẫn nghĩ theo kiểu
giáo dục ở Việt Nam, là trước khi trẻ vào "đại học chữ to", nó sẽ phải
học trước ít nhất là vài tháng cách phân biệt chữ và số, dù là đơn giản
nhất.
Bà hiệu trưởng hơi chau mày
trước cách giải thích ấy và sau đó trả lời rằng ở nước Ý, người ta không
dạy trẻ con phải thành thiên tài bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa và gây
sức ép tối đa lên chúng bằng những chương trình học đến nghẹt thở. Bà
cũng nói ngôi trường này gặp nhiều vấn đề về giáo viên và cơ sở hạ tầng,
nhưng mục tiêu của bà và ban giám hiệu là ngôi trường phải là nơi mà
khi đứa trẻ đến học phải cảm thấy yêu ngôi trường, gắn bó với nó và luôn
chỉ tìm thấy những niềm vui.
2.
Những điều mà bà nói không hề sáo rỗng và giáo điều bởi hết sức thực
tế. Mấy năm tôi ở Ý là mấy năm đưa con đi học và đón nó về, cũng là ngần
ấy năm tiếp xúc, cảm nhận những gì bà hiệu trưởng đã nói và không ít
dịp chia sẻ, trao đổi với các vị phụ huynh khác.
Họ cũng có không ít những nỗi
lo lắng giống tôi. Một người cha có con đi học và dù là người cha đó có
quốc tịch gì, xuất thân ra sao, thì trong cùng một môi trường giáo dục,
những suy nghĩ đều giống nhau: đứa trẻ của mình đi học có vui không, nó
học có tốt không, cô giáo nó thế nào, trưa nay nó ăn uống ra sao, trường
lớp của nó có sạch không, an toàn không...
Những câu trả lời đã có: trường
cũ rồi, đồ dùng học tập cũng cũ, số giáo viên trẻ không nhiều, ngân
sách nhà nước cấp cho giáo dục bị cắt giảm tối đa vì khủng hoảng, thành
ra có một vài học kỳ các bé thậm chí còn phải tự mang giấy vệ sinh để sử
dụng cho nhu cầu cá nhân. Nhưng việc cắt giảm ấy đi kèm một hệ lụy khác
mà người ta cho là nghiêm trọng hơn, dẫn đến những cuộc họp liên miên
giữa các phụ huynh và nhà trường, những cuộc bãi công của chính các giáo
viên, và sau đó giáo viên và các phụ huynh cùng biểu tình chống chính
phủ.
Đấy là việc Bộ Giáo dục Ý quyết
định không thay thế các giáo viên già đã về hưu bằng giáo viên trẻ và
giảm số lượng giáo viên bộ môn xuống, buộc một giáo viên phải phụ trách
nhiều đầu học sinh hơn. Các phụ huynh cho rằng chính sách ấy khiến chất
lượng giáo dục giảm sút.
Trong các cuộc họp khá gay gắt
với phụ huynh, ông hiệu phó, một người có nụ cười rất hiền và bộ râu
quai nón, không biết bao lần phải đứng lên cam đoan rằng trường sẽ cố
gắng giữ vững chất lượng.
3.
Nhưng điều mà tôi cảm nhận được về ngôi trường ấy có lẽ không phải là ở
chất lượng giáo dục như ông hiệu phó nói. Điều tôi ấn tượng mãi chính
là cách nhân văn mà họ dạy bọn trẻ. Ngày đầu tiên con bé đi học lớp 1,
vở của nó chỉ có một dòng chữ duy nhất, còn trong trang giấy ấy là
nguệch ngoạc những bức tranh mặt trời và ngôi trường mà cô cho chúng tự
do sáng tạo. Dòng chữ ấy ghi vẻn vẹn một câu: "Tôi hạnh phúc".
Mấy ngày sau, vẫn câu ấy, nhưng
bé con phải viết thêm mấy dòng nữa trong trang vở. Cô giáo bảo: "Chúng
tôi muốn đứa trẻ cảm nhận được một cách giản dị nhất ý nghĩa về cuộc
sống và niềm hạnh phúc. Đấy là đến trường và có lúc trẻ cùng trang lứa
chơi và học cùng". Năm học của bé con cứ thế trôi đi, và những sự phát
hiện của ông bố là tôi về giáo dục lấy con người làm trung tâm của họ
tiếp tục.
Sự khác biệt của mẫu giáo và
lớp 1 là gì? Bé con bảo: "Chẳng có gì khác, ngoài việc lớp 1 thì không
được mang đồ chơi đến lớp". Tại sao hầu như đứa trẻ nào ở trường con tôi
khi đến lớp cũng vác theo một balô nặng trịch? Chẳng nhẽ trẻ con Ý cũng
giống trẻ con Việt Nam khi chúng bị bắt phải mang nhiều sách vở đến
lớp? Không, con bé bảo nó và các bạn thích mang sách đến trường để học,
để vẽ và để chơi.
Tại sao chúng có thể sống hòa
hợp với những đứa bé da đen hoặc gốc Á, trong hoàn cảnh nước Ý ngày càng
trở nên khó tính và hằn học hơn với người nhập cư? Vì cô giáo ở trường
đã dạy bọn trẻ lớp 1 về một thế giới toàn cầu.
Những buổi họp phụ huynh học
sinh trở thành những cuộc nói chuyện thoải mái nhất giữa cha mẹ học sinh
và giáo viên. Một bà mẹ kể rằng cô giáo có gặp bà và hỏi về chuyện gia
đình bà có vấn đề gì không. Người mẹ ngạc nhiên nói rằng vợ chồng chị
đúng là đang lục đục.
Cô giáo bảo: "Tôi nhìn thấy
điều đó trong các tranh mà con chị vẽ. Nó vẽ rất u ám và không có cha mẹ
trong bức tranh ấy, điều chưa từng xảy ra trước kia. Đừng để chuyện của
vợ chồng anh chị ảnh hưởng đến bé". Hóa ra, các cháu ở lớp ngày nào
cũng được cho vẽ tranh. Cô giáo theo dõi sự phát triển về tâm hồn của
từng trẻ một thông qua những bức tranh và sẽ can thiệp kịp thời nếu phát
hiện những bất thường trong quá trình vận động tâm lý của chúng.
4.
Sự kiên nhẫn và nhạy cảm sư phạm của họ thật tuyệt vời. Đến bây giờ,
con bé nhà tôi cũng vẫn chưa quên được những "ngày hội bán cây" của
chúng mỗi học kỳ. Mỗi đứa trẻ phải trồng một cây nhỏ trong vườn trường,
chăm sóc chúng và trong thời gian cây lớn, chúng được giảng những bài
học cơ bản về sinh học và bảo vệ môi trường. Cuối
kỳ, khi cây lớn, lớp tổ chức bán cây, phụ huynh sẽ bỏ ra 2 euro để mua
cây do chính con mình trồng. Tiền sẽ được góp vào quỹ phúc lợi của
trường, chậu cây thì trẻ mang về và chăm tiếp.
Những quan tâm hết sức chi tiết
khác: nhà trường đăng một apphich rất to cảnh báo cha mẹ về việc trẻ
con có thể có chấy và một lần khi phát hiện trong hành lang nhà trường
có phân chuột, người ta đã đóng cửa trường ba ngày để gọi cả một đội
chống chuột và mèo đến để tìm cho ra chuột thì thôi!
Mấy năm đã qua kể từ ngày
con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thật sự khang trang
và hiện đại nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo
dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất. Con bé sẽ không bao giờ quên
ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa
hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ĩ và thả bóng bay.
Chỉ có cảnh cha mẹ các bé
ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng
nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo mẫu giáo cầm tay bé
ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1. Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như
thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn
của lũ trẻ...
Những buổi họp phụ huynh học sinh trở thành những cuộc
nói chuyện thoải mái nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên. Một bà mẹ
kể rằng cô giáo có gặp bà và hỏi về chuyện gia đình bà có vấn đề gì
không. Người mẹ ngạc nhiên nói rằng vợ chồng chị đúng là đang lục đục.
Cô giáo bảo: “Tôi nhìn thấy điều đó trong các tranh mà
con chị vẽ. Nó vẽ rất u ám và không có cha mẹ trong bức tranh ấy, điều
chưa từng xảy ra trước kia. Đừng để chuyện của vợ chồng anh chị ảnh
hưởng đến bé”. Hóa ra, các cháu ở lớp ngày nào cũng được cho vẽ tranh.
|
ANH NGỌC
___________
(*) Những tấm lòng cao cả hay Tâm hồn cao thượng (tiếng
Ý: Cuore) là cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De
Amicis, xuất bản đầu tiên năm 1886. Tác phẩm được viết theo hình thức
nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh), một
cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý.
0 comments:
Post a Comment