Đà Nẵng mỗi khi nhắc đến sẽ khiến ta
nghĩ ngay đến không chỉ là một thành phố thơ mộng giữa núi, sông và
biển, mà còn là nơi nổi tiếng về ẩm thực với hương vị riêng biệt và đặc
sắc. Ẩm thực Đà Nẵng thỏa mãn các giác quan của bạn bằng vị cay hơn so
với miền Bắc, mặn hơn so với miền Nam, màu sắc phối trộn phong phú, rực
rỡ. Bạn đã thưởng thức những món ngon nào của Đà Nẵng rồi?
Bánh bèo
Từ
rất lâu, món bánh bèo đã trở thành món ăn vô cùng quen thuộc với người
dân Đà Nẵng. Món bánh tự nó đã nói lên sự dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu
cho đến hương vị. Người dân Đà Nẵng ăn bánh bèo bất kì thời điểm nào
trong ngày, như món ăn chính hoặc ăn vặt.
Có
nhiều kích cỡ của bánh bèo, từ đó người ta gọi tên theo hình dáng để
phân biệt. Bánh bèo tai thì nhỏ tròn cỡ nửa tai người, bày ra theo đĩa
(thường thì đĩa bằng thiếc mới ngon). Bánh bèo chén được đúc sẵn trong
một cái chén nhỏ. Tất cả đều có một đặc điểm chung là có nhân trên mặt
bánh. Giọng nói địa phương nơi đây gọi nhân thành “nhưn” nghe rất vui
tai. “Nhưn” bánh có hai loại. Loại khô được làm từ tôm, cá bào lấy thịt,
ướp gia vị và sấy khô trên than để không còn mùi tanh. Đến khi ăn chỉ
còn lại vị bùi bùi và mặn mặn. Loại nhân ướt được làm từ thịt nạc, nấm
mèo, gia vị, sốt lên thành một hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi. Ngoài
ra, bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây.
Một
yếu tố rất quan trọng quyết định món bánh bèo có ngon hay không là nước
chấm. Nước mắm món này rất đơn giản, tỏi ớt băm nhuyễn được pha loãng
với nước sôi để nguội thêm ít chanh đường. Tất cả làm nên vị thanh ngọt
và chua chua rất đặc trưng. Thậm chí có nhiều người khi ăn, còn húp cả
nước chấm này, chỉ bởi nó quá hấp dẫn!
Bánh xèo
Đến
Đà Nẵng mà không ăn bánh xèo quả là một điều thiếu sót. Bánh xèo ở đây
không bé như bánh khoái, nhưng cũng không to như bánh xèo ở Sài Gòn.
Bánh được làm từ bột gạo xay, thêm vào đó là lòng đỏ trứng gà, bột nghệ
và được đúc trên chảo nóng. Nhân bánh khá cầu kì với tôm đồng còn sống,
thịt ba chỉ tươi. Nguyên liệu để làm bánh cũng không thể thiếu giá sống.
Đĩa
rau ăn kèm với bánh xèo ngoài những loại phổ biến như xà lách, húng
quế… nhất định phải có chuối chát, rau cải con. Bên cạnh chén nước mắm
tỏi ớt pha theo truyền thống, kèm theo đó là chén nước tương được chế
biến công phu từ gan heo và đậu phộng, mang hương vị bùi bùi, béo béo.
Thêm xấp bánh tráng mỏng hoặc những lá cải to hơn bàn tay dùng để cuốn
bánh.
Thời
điểm thích hợp nhất để ăn món bánh xèo là vào những ngày mưa, đặc biệt
là những ngày trời mưa dầm gió rét. Những chiếc bánh nóng hổi thơm phức
làm ta cảm thấy ấm cúng đến lạ. Ta không chỉ no bởi chiếc bánh ngon, mà
còn thấy vui bởi âm thanh “xèo xèo” trên chảo và “tách tách” tiếng củi
cháy. Bánh xèo nhẹ nhàng “chinh phục” các giác quan.
Bánh tráng thịt heo
Chắc
hẳn bạn đã từng nghe qua món thịt heo 2 đầu da, đích thị là món sắp
được đề cập đến. Món này không đòi hỏi sự cầu kì trong chế biến, nhưng
nó không hề đơn giản. Mấu chốt nằm ở sự lựa chọn nguyên liệu tươi sống
cực kì công phu.
Nguyên
liệu chính nằm ngay trong tên gọi của món: thịt heo. Người ta lấy phần
thịt ngon nhất là thịt mông. Ước tính mỗi con heo chỉ được khoảng 5 kí
thịt mông có thể xắt lát thành miếng thịt hai đầu da. Rau là nguyên liệu
bắt buộc trong món ăn này, những loại rau thông dụng dân dã như xà
lách, húng, quế, đặc biệt là chuối chát và khế chua. Cuối cùng, mắm nêm
là loại nước chấm không thể thay thế đối với món này.
Cầm
bánh tráng mỏng trên tay, bạn xếp lần lượt rau các loại, thịt heo và
cuộn tròn lại. Chấm vào mắm nêm và thưởng thức sự hòa quyện vô cùng hài
hòa và đặc trưng của Đà Nẵng.
Bê thui Cầu Mống
Một
trong những địa điểm ẩm thực mà khách du lịch không nên bỏ lỡ khi đến
với Đà Nẵng, đó là bê thui Cầu Mống, hay còn được người dân nơi đây gọi
là “bò tái Cầu Mống”. Tên địa danh đi kèm theo chỉ 1 vùng đất có ngôi
làng nhỏ nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện
Bàn, tỉnh Quảng Nam (nằm khoảng giữa Hội An và Đà Nẵng).
Con
bê vừa đủ lớn, tầm 30-35 kí có thịt không bị nhão. Sau khi cắt tiết bê,
lấy lòng ra khỏi bê thì dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt xỏ dọc
thân và gác ngang ngọn lửa than đỏ để thui. Nghệ thuật thui vẫn còn là 1
điều bí truyền, tạo nên một hương vị ẩm thực bản sắc địa phương. Thịt
bê sau khi thui có 2 tầng thịt: tái và chín rõ rệt. Riêng phần bì (da)
phải chín đến mức trong suốt, vừa có độ giòn mềm vừa phải.
Bê
thui ngon hay không là nhờ vào nước chấm và rau sống ăn kèm. Nước chấm
là loại mắm cá cơm nguyên con, được gạn lấy nước, thêm đường, giã nhuyễn
ớt tỏi, gừng và mè rang thơm vàng hấp dẫn. Rau ăn kèm rất phong phú,
gồm loại rau Trà Quế đặc trưng của vùng đất Hội An, rau tía tô, xà lách,
cải non kết hợp với khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm, húng,
quế và giá sống… tất cả hòa quyện khó quên.
Trải
miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui và cuốn chung với rau
sống, chấm nước mắm nêm pha ớt tỏi. Bạn hãy nhai thật kĩ để cảm nhận hết
vị riêng biệt của món ăn trứ danh này.
Tré Bà Đệ
Món
ăn dùng để “lai rai”, có vị chua chua, cay cay đặc sắc, tương quan hình
thức có phần giống với nem của miền Nam, đích thị là món tré. Tré còn
được dùng như món khai vị trong các dịp lễ tiệc.
Tré
Bà Đệ là món đặc sản cổ truyền ở Đà Nẵng. Tré được làm từ thịt heo nạc
và ba chỉ cắt mỏng, ướp với đường, muối, tỏi, và gói lại với lá chuối và
lá ổi. Ủ từ 2 đến 3 ngày trước khi đem ra dùng. Để tăng thêm độ hấp
dẫn, khi ăn cần cho thêm một ít đu đủ, cà rốt, củ kiệu, đậu phộng, tỏi…
và đặc biệt phải ăn kèm tương ớt mới đúng điệu.
Hình
như đâu đó đã hình thành một thói quen: cứ chiều tan sở, rủ một vài
người bạn lai rai vài chai bia, dăm ba cái tré cộng chút tương ớt thế là
đủ cho một buổi tiệc rượu nhâm nhi đến tối. Và nét đặc trưng ấy đã trở
thành văn hóa của người dân xứ này.
Chả bò Đà Nẵng
Một trong những đặc sản được làm quà biếu nhiều nhất khi đi du lịch Đà Nẵng: chả bò.
Chả
bò Đà Nẵng được làm từ 100% thịt bò tươi. Đặc điểm của món ngon này là
hương vị thơm ngon, chất lượng. Cắt khoanh chả bò, bạn sẽ ngửi ngay được
mùi thơm của rau thì là thoảng nhẹ, miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi
ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai. Ăn chả bò phải kèm với dưa
chua, nem... làm món khai vị trong các bữa tiệc. Món còn có thể làm
“mồi” nhâm nhi tuyệt vời cho quý ông hoặc ăn kèm bánh mì và cháo bò.
Đặc
biệt ăn món chả bò Đà Nẵng này nhất thiết phải có tỏi tươi, hành tươi,
rau thơm và có thể chấm thêm tương ớt hoặc nước mắm tỏi ớt tùy khẩu vị
của mỗi người. Bây giờ, nhiều hãng chả có bán loại chả bò, song, hương
vị của chả Đà Nẵng là duy nhất và không nơi nào sánh được.
Bún chả cá Đà Nẵng
Nhiều
người nghĩ rằng, bún chả cá ở khu vực Nha Trang, Phan Rang thì mới
ngon. Nhận định đó đúng, nhưng chưa đủ, đặc biệt là với món bún chả cá
Đà Nẵng. Vị trí địa lí giáp biển mang đến nguyên liệu cá vô cùng tươi và
phong phú như cá thác lác, cá thu, cá mối…
Món
bún này điều đầu tiên là phải nói đến chả cá. Cá tươi được rửa sạch,
bào lấy thịt và cho vào cối và quếch nhuyễn với các gia vị theo tỉ lệ
nhất định cho đến khi thịt cá dẻo và dậy mùi thơm. Sau đó, tạc thành
khối và đem đi hấp hơi để tạo thành loại chả hấp hoặc đem chiên vàng
trong dầu nóng gọi là chả chiên. Phần nước súp làm nên sự khác biệt cho
món ăn. Người ta hầm xương cá là chủ yếu, có thể thêm ít xương heo hoặc
bò. Và đặc biệt, nồi nước súp luôn có thêm cà chua, thơm, su bắp, bí đỏ,
măng tươi để tăng thêm vị ngọt và đậm đà.
Sợi
bún ở Đà Nẵng được làm từ bột gạo, sợi nhỏ, màu trắng đục và mềm vì
không pha thêm bột sắn. Món bún ăn kèm với rau sống như xà lách, húng,
quế và đặc biệt là giá, không cầu kì nhưng phải tươi. Một tô bún chả
nghi ngút khói, màu sắc hài hòa, những lát chả xắt hình con thoi bắt
mắt. Nếu thấy lạt miệng, bạn có thể thêm ít mắm ruốc, ớt tỏi giã nhuyễn
và hành hương ngâm giấm đường. Một hương vị rất riêng khó quên cho món
bún chả cá Đà Nẵng.
Bún mắm
Thêm
một món bún rất riêng của người Đà Nẵng: bún mắm (hay còn gọi là bún
mắm nêm). Nó là món đặc sản bình dân mà bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều
nơi trên địa bàn thành phố.
Món
ăn được ăn kèm với rau sống đơn giản như xà lách, rau húng và sợi đu đủ
non bào mỏng. Rau được xếp bên dưới, tiếp đến là bún, bên trên là thịt
heo quay hoặc thịt heo luộc, nem, chả, tai heo tùy thuộc vào sở thích
của mỗi người. Kèm theo đó là một ít mít non luộc chín trộn đều với rau
răm và đậu phộng.
Thành
phần không thể thiếu đó là mắm nêm. Cá cơm được rửa sạch, ướp với muối
theo công thức lưu truyền và bỏ vào hủ đậy kín lại. Sau 7 – 9 ngày tùy
theo tình hình thời tiết, mắm sẽ chín. Khi đó, mắm sẽ có mùi thơm ngào
ngạt đặc trưng. Để món mắm được vừa miệng và ngon hơn, người ta thường
pha chế lại bằng cách thêm vào ít gia vị, nước trái thơm… Những ai đến
Đà Nẵng, một lần thưởng thức món bún mắm sẽ khó mà quên được hương vị
đậm đà của nó.
Nộm hoa chuối
Món
ăn dân dã ở chốn quê lại trở thành món đặc sản hấp dẫn của Đà Nẵng. Đi
khắp các quán ăn, nhà hàng, quán nhậu, đâu đâu cũng có bán món nộm hoa
chuối (gỏi bắp chuối) với nhiều thể loại khác nhau: tôm thịt, tai heo,
sứa…
Để
làm món này, người ta chọn những búp hoa chuối vừa, to bằng bàn tay.
Tách bẹ chuối, rửa sạch, cắt sợi mỏng và ngâm nước dấm loãng cho bớt đi
vị chát và giúp hoa chuối trắng, gión hơn. Phần nhân trộn với chuối khá
đa dạng, tùy theo ý thích của mỗi người. Các nguyên liệu được cắt hạt
lựu rồi xào sơ qua với dầu và gia vị cho thấm đều.
Cuối
cùng là trộn đều hoa chuối với nhân, rau thơm, giá, chanh, tỏi, ớt, sả,
gừng, đậu phộng rang giã dập… làm nên một hương vị đậm đà và dân dã. Bí
quyết để có món nộm ngon là ở nước mắm chua ngọt. Phải thật khéo tay
mới có thể tạo nên thứ nước chấm vừa đậm đà vị cá biển, vừa nồng nàn
chua-ngọt-cay, kích thích tối đa vị giác của thực khách.
Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô là món ăn Đà Nẵng nổi tiếng bao đời, trở thành đặc sản của vùng đất giàu nét văn hóa ẩm thực này.
Thành
phần cá để chế biến món gỏi đa dạng với cá mòi, cá tớp, cá cơm... Ngon
và thích hợp nhất là cá trích, vì loại cá này thịt có vị ngọt, săn chắc.
Đặc biệt, loại cá trích sống gần bờ nên các ngư dân đánh bắt quanh năm
và hiển nhiên là nguồn nguyên liệu dồi dào cho món gỏi. Cá trích lớn hơn
ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng
miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Trước
khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này làm món
nước chấm: nước cá tươi đem đun sôi hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột
năng, bột ngọt.
Thính riềng hơn hẳn những loại
thính thường ở chỗ vừa làm cho thịt cá khô ráo, lại vừa ướp thơm và khử
khuẩn cho cá. Khi dọn ăn, trộn thêm mè và đậu phộng rang giã nhỏ vào
nước chấm. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt quí hiếm.
Đây là những đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá
trâm, lá dừng… Các loài này chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân, vì vậy người
bán phải lên rừng hái mang về.
Có
hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại được cuốn bánh tráng mỏng và
chấm nước chấm, ăn thêm với bánh tráng nướng; hoặc chỉ việc trộn cá với
rau và nước chấm vào một tô, cứ thế mà “lùa” đã đời. Gắp một chiếc lá
rừng lớn, thêm một nhúm lá thái nhỏ, vài miếng cá lấm tấm thính riềng
vàng rộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và bắt đầu thưởng thức.
Thịt
cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với hương
vị các loại lá mang hương rừng, kèm thêm miếng chuối xanh chan chát,
miếng khế chua chua... cái ngon như ngấm vào chân răng, đầu lưỡi, chạy
thẳng xuống đến dạ dày.
Mì Quảng Đà Nẵng
Mì
Quảng không giống phở Bắc, cũng chẳng giống bún bò Huế hay bún Ốc Hà
Nội. Mì Quảng có nhìu loại khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì
trứng, mì bò, mì sứa, mì cá lóc… nhưng hương vị đặc trưng của nó thì
không lẫn vào đâu được. Hòa quyện cùng cọng mì trắng ngà, mềm mại là vị
thanh ngọt và béo của nước hầm xương, mà người dân địa phương vẫn hay
gọi là nước lèo.
Theo
kinh nghiệm của người xưa, ăn mì Quảng phải ăn kèm với nhiều rau sống
mới ngon. Nhưng rau sống đúng kiểu mì Quảng phải được kết hợp từ 9 loại
rau như: cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá trắng có thể được
trụng chín hoặc để sống, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ, trộn lẫn
với chuối bắp bào mỏng, tất cả tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.
Đặc
biệt thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh
tráng mè nướng giòn. Vị thơm của đậu phụng rang và giòn của bánh tráng
sẽ làm tăng thêm ý vị cho món ăn đặc sản này. Nhìn tô mì bốc khói với
những chú tôm tươi đỏ mọng, lòng đỏ trứng vàng ươm kết hợp với màu xanh
tươi mát của rau sống và hành hoa quả thật thực khách không thể kiềm nổi
cơn đói đang trào dâng.
Hải sản Đà Nẵng
“Chưa
thấy con cá nào thịt thơm ngon như cá cu”, đó là khẳng định của các chủ
quán ăn ngon Đà Nẵng kể về món đặc sản Đà Nẵng này. Loại cá này có nơi
gọi cá bè, có vùng gọi cá cu, nhưng nói cho đúng phải là cá bè cu.
Cá
thuộc dạng da trơn nước mặn nên thịt dai và thơm, hình thù gần giống cá
ngừ nhưng mình hơi dẹp. Thịt cá mềm dai hài hòa, tươi ngọt hiếm thấy.
Đà Nẵng vào mùa cá cu, các mẹ, các chị thường chế biến các món ngon với
cá cu để “bồi dưỡng” các ông chồng. Cá cu có thể đem kho ăn với bún, có
thể nấu lẩu cùng với các loại hải sản khác như tôm, mực hoặc là đem nấu
cháo cá cu. Hơn thế nữa, món cá cu nướng là món ăn đặc sản Đà Nẵng nổi
danh. Cá được xát với muối ớt, gói lá chuối rồi đem nướng, mùi hương
thơm lừng bay khắp xóm làng, đố ai có thể cưỡng lại cơn thèm.
Mực cơm
ở Đà Nẵng có màu tím hồng, mình tròn lẳn bằng khoảng ngón tay cái, tách
ra trong ruột có phần cơm màu trắng, chính thành phần này làm tăng thêm
hương vị riêng độc đáo của mực cơm.
Bạn
sẽ tò mò không hiểu tại sao trong ruột mực lại có phần cơm màu trắng
như vậy? Đó chính là trứng mực vào mùa sinh sản, có giá trị dinh dưỡng
rất cao. Mùa mực cơm ở Đà Nẵng thường vào tháng 6 đến tháng 9. Mùi hương
thơm lừng lan tỏa, vị tươi ngọt của thịt mực kết hợp với bột chiên, bạn
sẽ có cảm giác hòa quyện giữa sự mềm mại và giòn tan vô cùng thú vị.
Đặc biệt món này dùng nóng kèm với tương ớt và và một ít rau quả như cà
chua, dưa leo tạo thêm vị tươi mát của món ăn.
Đặc biệt là các món chế biến từ tôm biển
được ưa chuộng hơn cả bởi sự hấp dẫn của hương vị thịt tôm tự nhiên và
sự bổ dưỡng mà món ăn mang đến cho người thưởng thức. Tôm ở đây có đủ
các thể loại: tôm bạc, tôm rằn, tôm hùm…xứng tầm là món ngon Đà Nẵng.
Các món tôm ở đây với từng thớ thịt săn chắc, giòn ngọt, đều giữ được
hương vị đặc trưng của biển một cách nguyên vẹn nhất.
Bên
cạnh đó rất đa dạng và phong phú về cách chế biến. Du khách sẽ được
thưởng thức vị ngọt đậm đà của tôm và hương thơm lừng của tỏi trong món
“tôm hấp tỏi” hay vị thơm nồng giòn, mặn của món “tôm đất rang muối”,
hoặc thưởng thức vị chua cay, nóng hổi của món “lẩu tôm”. Giờ đây món
đặc sản tôm bình dân đã trở thành đặc sản Đà Nẵng mang phong vị riêng
không thể thiếu trong danh mục ẩm thực đất Việt.
Giới thiệu đến các bạn những địa điểm ăn uống các món
đặc sản ở Đà Nẵng. Danh sách này được giới “chuyên môn” đánh giá cao về
mức độ ngon đậm đà và giá cả hợp lý.
Bánh bèo:
- Quán 108: 108 Trưng Nữ Vương.
- Quán Bà Bé: 100 Hoàng Văn Thụ
- Quán Tâm: 297 Nguyễn Chí Thanh
Bánh xèo:
- Bánh xèo Bà Dưỡng: 11 Hoàng Diệu
- Bánh xèo Bà Trai: 194 Đống Đa
- 29 Lê Đình Dương
- 36, 38, 40 Yên Bái
Bánh tráng thịt heo:
- Quán Trần: Lê Hồng Phong nối dài, gần siêu thị Bài Thơ,
- Quán Mậu: 35 Đỗ Thúc Tịnh
- Quán Đồng Nội: 115 Đỗ Thúc Tịnh
Bê thui / Bò tái:
- Quán Bà Ngọc: 228 Đống Đa
- Quán Bò Tái: 103 Triệu Nữ Vương
- Hội Quán: 155 Nguyễn Văn Linh
- Quán Tiến Thành: 227 Trần Phú
Tré:
- Tré Bà Đệ: 81 Hải Phòng
- Tré Bà Bình: 77 Hải Phòng
- Tré Bà Cúc: 107 Hải Phòng
Chả bò:
- Chả Lộc: Trần Bình Trọng (gần ngã 5)
- Chả Hường: 4 Hoàng Diệu
- Chả Nguyễn Thị Hồng: 90 Lý Tự Trọng
Bún chả cá:
- Quán Bà Lan: 87 Lê Hồng Phong
- Quán Bà Phiến: 63 Lê Hồng Phong
- Quán 152: 152 Quang Trung
Bún mắm:
- Quán Bà Thuyên: K424/03 Lê Duẩn
- Quán Vân: K23/14 Trần Kế Xương
- Quán Ngọc: 29 Đoàn Thị Điểm
Nộm hoa chuối: món này có ở hầu hết các nhà hàng ở Đà Nẵng.
Gỏi cá Nam Ô:
- 972 Nguyễn Lương Bằng
- Quán Bà Mỳ: đường Mai Lão, bên trái, cuối đường Đống Đa
- Quán Tấn: 464 Điện Biên Phủ
- Quán Sáu Hào: 232 Trần Cao Vân
Mỳ Quảng:
- Quán Bà Ngân: 108 Đống Đa
- Quán Bà Vị: 155 Trưng Nữ Vương / 60 Lê Văn Hiến
- Quán Bà Lữ: 126 Hàm Nghi
- Quán Đinh Tiên Hoàng: 53/54 Ông Ích Khiêm
Hết.
0 comments:
Post a Comment