Tháng
trước, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Khoa học- công nghệ, tổ trưởng tổ biên
tập Dự án Luật khoa học công nghệ đã có câu nói để đời: Cơ chế tài chính
(cho nghiên cứu khoa học) này buộc người ta nói dối, chấp nhận cho
người ta nói dối và khuyến khích người ta nói dối.
Cái cơ chế tài chính đó là sự bọt bèo khi cả nền khoa học, công nghệ nước nhà hàng năm “ngửa tay, mỏi mồm” để được 2% tổng chi NSNN, có nghĩa chưa tới 0,6 GDP, có nghĩa chỉ hơn 13 ngàn tỷ mỗi năm, tương đương mức đầu tư cho một cái…Viện bảo tàng lịch sử.
Cái cơ chế đó là việc cấp phát tài chính theo năm tài khóa, trễ đến nỗi các nhà khoa học chưa kịp nhận tiền đã phải quyết toán.
Và sự buộc, chấp nhận, khuyến khích các vị giáo sư, tiến sĩ nói dối còn ở một chế độ tài chính “không theo giá thị trường” khiến các nhà khoa học phải bịa ra báo cáo đề tài, hóa đơn chứng từ, khai khống ăn ở để có đủ hồ sơ quyết toán.
Nhưng rõ ràng, tiền không phải là vấn đề duy nhất của công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Tuần rồi, khi dự án luật này được đưa ra thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đánh giá 2% GDP cho nghiên cứu khoa học, công nghệ vừa “ở mức thấp” và vừa “sử dụng lại còn không hiệu quả”.
Với hơn 9.000 giáo sư, phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sĩ và vô số kể thạc sĩ, Việt Nam là quốc gia “khủng” xét về số lượng học hàm học vị. Ấy thế mà trong suốt giai đoạn 2006-2010, chúng ra chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Đến 2011, dư luận sốc nặng khi hay tin không có một tấm bằng sáng chế nào có xuất xứ từ Việt Nam dù đội ngũ GS, TS ngày càng trùng trùng điệp điệp.
Chỉ trước khi lời than thiếu tiền (cho khoa học, công nghệ) cất lên trên diễn đàn QH vài hôm, báo Pháp luật TP kể về câu chuyện ông Nguyễn Kim Chính, một nông dân ở Bình Định hôm 13-9 đã công bố sáng chế máy tuốt đậu phộng “chưa từng có ở Việt Nam”. Đây đã là sáng chế của người nông dân “lớp 7 trường làng” với liền trước đó là chiếc máy gặt lúa, đã bán được hơn 200 chiếc, cho cả đối tác nước ngoài.
Thế các giáo sư, tiến sĩ ở đâu và đang làm gì? Không ít trong số họ đang làm “thợ giảng”, chạy sô các khóa đào tạo…tiến sĩ. Hoặc cũng nghiên cứu khoa học, nhưng với những đề tài khiến cho khối người té ghế, đại loại “Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi”…
Theo số liệu của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trưởng của QH, Việt Nam có hơn 5 vạn cán bộ nghiên cứu khoa học đang “nghiên cứu” trong hơn 1.100 viện, cơ sở nghiên cứu các loại. Nhưng rút cục, đến cái máy tuốt lạc nông dân vẫn cứ phải trông vào một nhà nghiên cứu không phải giáo sư, cũng chẳng tiến sĩ khi mà nền công nghiệp của một đất nước đông giáo sư tiến sĩ như Việt Nam thậm chí còn không làm nổi một chiếc vít, theo đúng nghĩa đen của từ này, cho Canon Việt Nam.
Việc các nhà khoa học lo tiền, để nghiên cứu, còn vất vả, khốn khổ hơn cả việc nghiên cứu là một hiện thực. Nhưng có một hiện thực khác còn trái tai gai mắt hơn nhiều. Đó là việc, nói như Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: nghiên cứu xong “ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều”.
Chuyện nghiên cứu cái máy tuốt lạc ở Bình Định hay chiếc vít cho Canon, có lẽ không đơn thuần vì ít tiền, vì thiếu tiền. Bởi sự “chất đống trong kho” của các nghiên cứu khoa học, bỏ mặc khoảng trống mênh mông ngoài thực tế, suy cho cùng là vì ít nhiệt huyết và thiếu trách nhiệm của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, với những đồng tiền nghiên cứu, dù còn ít ỏi, nhưng là tiền thuế mồ hôi nước mắt của không ít trong đó là nông dân.
Theo Đào Tuấn
0 comments:
Post a Comment