Tuesday, June 4, 2013
0 comments

Khái niệm cơ bản trong nhiếp ảnh và ảnh kỹ thuật số

4:20 PM
Trong bài viết này, VinaCamera.com giới thiệu các khái niệm cơ bản trong nhiếp ảnh và ảnh số (Basic concepts in photography and digital photography). Bài viết sẽ thường xuyên được bổ sung và cập nhật. Để các bạn tiện theo dõi trên máy ảnh số hiện chưa được Việt hóa, VinaCamera.com sẽ giải thích kèm các thuật ngữ tiếng Anh.
Cửa chập (shutter):
Là mành chắn được đóng mở cho phép ánh sáng lọt qua để đi tới phim hay bộ cảm biến khi bấm máy chụp. Khoảng thời gian mành mở để ánh sáng lọt (qua mành) vào phim hay bộ cảm biến nhận ánh sáng đối với máy ảnh số – cũng chính là thời gian phơi sáng của phim hay bộ cảm biến (exposure time) – được điều chỉnh bởi tốc độ cửa chập (shutter speed) và thường được tính bằng giây và phần của giây, ví dụ 1 giây, 1/60 (một phần 60 của giây), 1/3200 (một phần 3200 của giây). Tốc độ cửa chập càng nhanh cho phép chụp được các đối tượng di chuyển nhanh mà không bị nhòe hình do “dừng” được hình ảnh trong một khoảnh khắc rất nhỏ, ví dụ để “dừng” được chuyển động của một con chim đang bay, tốc độ cửa chập phải đạt được tối thiểu từ 1/1250 đến 1/1600 giây mới đảm bảo không bị nhòe. Tốc độ cửa chập càng nhanh đòi hỏi ánh sáng càng mạnh mới đảm bảo ảnh không bị quá tối.
Khẩu độ mở (apature):
Là lỗ lọt sáng nằm trên ống kính của máy ảnh. Độ to nhỏ của khẩu độ được điều chỉnh bằng thông số f (f-number), ví dụ f/2.8 hay f/32, và phụ thuộc khả năng của ống kính. Các khẩu độ phổ biến gồm f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, and f/22. Lưu ý: thông số f này càng nhỏ thì độ mở của lỗ lọt sáng càng lớn, ví dụ f/5.6 cho lỗ lọt sáng lớn hơn so với f/8, như vậy, f/5.6 cho nhiều ánh sáng lọt qua hơn so với f/8 – đây là cánh tính hay làm nhiều người nhầm lẫn về khẩu độ mở. Các ống kính càng tốt (và càng đắt tiền do đòi hỏi công nghệ sản xuất cao hơn) cho phép mở khẩu độ càng to, hiện nay hãng Leica đã sản xuất ống kính thông thường với độ mở lên tới f/0.95. Khẩu độ mở to (thông số f nhỏ) cho phép ánh sáng lọt vào phim nay bộ cảm biến nhiều hơn, tạo khả năng tăng tốc độ cửa chập (shutter speed) giúp đảm bảo hình không bị nhòe (do rung tay hay vật chuyển động), nhất là trong các môi trường ánh sáng yếu mà vẫn bảo đảm ánh sáng của ảnh. Tuy nhiên, khẩu độ mở còn chi phối chiều sâu của ảnh (depth of field): Khẩu độ mở càng to càng làm giảm chiều sâu của ảnh.
Căn nét / lấy nét (focus):
Điều chỉnh ống kính (nhiều khi là cả vị trí của máy ảnh) để căn chỉnh tạo hình ảnh sắc nét trên phim hay bộ cảm biến. Ở một số máy ảnh, khi điều chỉnh, vị trí của phim hay bộ cảm biển cũng di chuyển để tạo độ nét. Lưu ý: có nhiều người còn gọi việc này là “canh nét”.
Tiêu điểm (focal point):
Là điểm trên trục quang học (của ống kính) ở đó các tia sáng (sau khi đã đi qua các thấu kính) tạo thành hình ảnh sắc nét của đối tượng được chụp ảnh. Việc điều chỉnh ống kính (và vị trí của máy ảnh) để hình ảnh sắc nét nằm trên phim hay bộ cảm biến gọi là lấy/căn/canh nét.
Tiêu cự (focal length):
Khoảng cách giữa bề mặt của phim (hay bộ cảm biến nhận sáng ở máy ảnh số) tới trung tâm quang học của ống kính (gồm hệ thấu kính). Tiêu cự thường được tính bằng milimet (mm) và được ghi trên ống kính. Đối với định dạng phim (kích cỡ cảm biến toàn khổ) 35mm, tiêu cự ở 50mm được coi là tiêu chuẩn (normal, thường được đọc là nóc-man – ở tiêu cự này hình ảnh qua ống kính sát thực với hình ảnh nhìn thông thường qua mắt người nhất, và cho độ chính xác cao nhất). Các tiêu cự ngắn hơn 50mm được gọi là góc rộng (wide) và các tiêu cự dài hơn 50mm có thể được gọi là lớn hay tê-lê (tele). Ở cùng một khoảng cách giữa máy ảnh và đối tượng cần chụp, ống kính góc rộng cho hình ảnh rộng hơn (phù hợp với chụp một nhóm người hay toàn cảnh trong nhà, v.v…) còn ống tele giúp chụp được đối tượng to hơn trong ảnh. Ghi chú: Việc sản xuất các ống tele có khẩu độ mở lớn (f-number nhỏ) đòi hỏi kỹ thuật cao, nên các ống kính này rất đắt).
Ống phóng và ống cố định (zoom lens & fixed lens):
Các ống kính có khả năng thay đổi tiêu cự gần xa được gọi là các ống zoom. Các ống chỉ có một tiêu cự duy nhất gọi là ống cố định (fixed lens / prime lens). Các chỉ số này thường được ghi trên trên ống kính hoặc trên thân máy (máy liền ống kính) với chỉ số tiêu cự nhỏ nhất tới lớn nhất kèm ký hiệu X (đọc là nhân), ví dụ 17-50mm, 18-135mm hay 12x. Ghi chú: Thuật ngữ tiếng Việt “phóng” và “cố định” ở đây chỉ được dùng để giải thích; trên thực tế ở Việt Nam, người chơi ảnh thường sử dụng thuật ngữ vay mượn trong tiếng Anh và gọi là ống zoom (đọc là dum) và ống fixed (đọc là phích).
Tỷ lệ phóng quang học và kỹ thuật số (optical zoom & digital zoom):
Tỷ lệ phóng quang học (optical zoom) là khả năng phóng to hay thu nhỏ hình ảnh đối tượng được chụp ở cùng một khoảng cách từ máy ảnh tới đối tượng trên ảnh chụp được tạo ra qua điều chỉnh ống kính (hệ thống thấu kính bên trong ống kính). Đối với các máy ảnh số, việc phóng to thu nhỏ này còn có thể được thực hiện bằng cách sử dụng tính năng zoom kỹ thuật số (digital zoom) để phóng to một phần hình ảnh thu nhận được qua ống kính sao cho bằng với kích thước toàn bộ của khuôn hình. Tưởng tượng đơn giản, bạn có một hình to bằng khổ giấy A4, bạn cắt lấy một góc phần tư của ảnh và đem ra hàng photocopy phóng to lên gấp 4 lần sẽ được một hình to bằng khổ giấy A4 với những chi tiết đã chọn to hơn trước gấp 4 lần. Việc phóng to như vậy thường làm giảm chi tiết và chất lượng của ảnh. Việc làm này cũng có thể thực hiện trên máy tính mà không cần tính năng zoom số của máy ảnh. Vì vậy, khi mua máy ảnh, người ta thường quan tâm tới tỷ lệ phóng to quang học hơn là phóng to kỹ thuật số. Ghi chú: Cũng như trên, các thuật ngữ phóng to thu nhỏ ở đây được dùng chủ yếu để giải thích, trên thực tế ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều sử dụng từ vay mượn là “zoom” với các cách nói như “dum” ra, “dum” vào hay “dum” to, “dum” nhỏ.
Chế độ căn nét (focus mode):
Chế độ điều chỉnh ống kinh để căn nét cho hình ảnh. Thông thường có hai loại là căn nét thủ công bằng tay (manual focus) hoặc căn nét tự động (auto focus). Ở chế độ căn nét tự động, nhiều hãng máy ảnh còn phân biệt giữa căn nét cho các vật đứng im và các vật chuyển động.
Chiều sâu ảnh trường (depth of field – DOF):
Đối với một số trường hợp, do sử dụng ống kính hay khoảng cách giữa các đối tượng được chụp, khi căn nét một đối tượng thì các đối tượng khác ở trước và sau đối tượng căn nét bị nhòe đi, những trường hợp như vậy sẽ cho hình ảnh gọi là nông về chiều sâu của ảnh; trong những trường hợp khác, các đối tượng trước và sau đối tượng được căn nét vẫn tương đối nét hoặc thậm chí có độ nét ngang bằng với đối tượng căn nét. Trong các trường hợp trình bày sau này, ảnh có chiều sâu lớn hơn. Hiệu ứng này được tạo ra bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tiêu cự (focal lengh), khẩu độ mở ống kính (f-number), cự ly chụp (khoảng cách từ máy ảnh tới đối tượng chụp). Khẩu độ mở càng lớn, tiêu cự càng dài và cự ly chụp càng ngắn thì chiều sâu của ảnh càng giảm, và ngược lại. So với ống kính tiêu chuẩn (normal lens), ống góc rộng cho chiều sâu ảnh lớn hơn nếu đặt ở khẩu độ mở (f-number) như nhau, còn các ống tele sẽ cho chiều sâu nông hơn.
Đây là một khái niệm quan trọng trong nhiếp ảnh, nhất là trong việc tạo tính nghệ thuật cho một bức ảnh. Một cách đơn giản hơn để hiểu khái niệm này là khoảng cách giữa các đối tượng (đối tượng lấy nét, đối tượng trước và sau đối tượng lấy nét) có độ nét chấp nhận được trong một bức ảnh. Khoảng cách này càng xa thì ảnh càng có chiều sâu. Ảnh phong cảnh thường có chiều sâu lớn để mọi vật đều nét (nhìn rõ chi tiết), ảnh chân dung thường có chiều sâu nông để người xem tập trung vào người được chụp (hay khuôn mặt) hơn là các cảnh vật xung quanh (thường nhòe đi để không gây chú ý cho người xem).
Bô-kê (bokeh / boke):
Bô-kê là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Nhật có nghĩa là “nhòa mờ” (blur), được sử dụng trong nhiếp ảnh ngày nay để mô tả hiện tượng nhòa mờ nhưng mịn của vùng xung quanh điểm được căn nét trong khuôn hình một bức ảnh có chiều sâu ảnh trường nông do hiệu ứng của ống kính tạo ra. Bô-kê tạo cho người xem cảm giác mịn màng dễ chịu ở vùng xung quanh điểm lấy nét và thường được sử dụng để tạo tính nghệ thuật trong nhiếp ảnh. Đây là khái niệm khó đo lường và thường được đánh giá bằng mắt thường. Chất lượng bô-kê có thể được đánh giá bằng các vòng tròn ánh sáng nhòa mờ, mịn và phân bố ánh sáng đều (hơn là chỉ tập trung sáng ở đường viền của mỗi hình tròn) xung quanh các điểm sáng ngoài vùng nét trong bức ảnh. Các ống kính có nhiều mảnh thép tạo lỗ lọt sáng (apature) hoặc các mảnh này cắt cong sẽ tạo được hiệu ứng các hình tròn mờ mịn tốt hơn và cho chất lượng bô-kê đẹp hơn. Các ống kính có khẩu độ mở lớn hơn (f-number nhỏ hơn) có khả năng giảm chiều sâu và tạo bô-kê đẹp hơn.
ISO (International Organization for Standardization):
Đơn vị tính độ nhạy của phim hay của bộ cảm biến nhận ánh sáng ở máy ảnh số do Tổ chức tiêu chuẩn thế giới qui chuẩn. Độ nhạy ISO ở các máy ảnh số thường được tính từ 80 tới 25000 và càng ngày càng cao hơn. Đối với phim nhựa truyền thống, độ nhạy được qui định ở loại phim, ví dụ phim ISO100, ISO400; đối với máy ảnh số, có thể thay đổi ISO thông qua chức năng điều chỉnh ISO trên máy. Máy ảnh loại tốt cho phép điều chỉnh ISO cao hơn. Độ nhạy ISO càng lớn cho phép giảm thời gian lộ sáng (phơi sáng) – tức là tăng tốc độ cửa chập (shutter speed). Tuy nhiên, ISO càng lớn thường làm cho ảnh càng bị nhiễu (noise) nhiều hơn, khi phóng to bị rạn và sần. Trong điều kiện ảnh sáng tốt, nên để ISO thấp nhất có thể. Các cách tính khác đối với phim nhựa bao gồm ASA (American Standards Association – Hội tiêu chuẩn Hòa Kỳ) và DIN (Deutsches Institut für Normung – Viện tiêu chuẩn Đức).
Phơi sáng (exposure):
Một pô ảnh (gốc từ pose trong tiếng Pháp – còn gọi chệch đi là “bô”; tiếng Anh là exposure) phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về ánh sáng, một pô ảnh là kết quả của sự kết hợp các yếu tố tốc độ cửa chập (shutter speed), khẩu độ mở (f-number) và độ nhạy ISO. Ba yếu tố này sẽ được kết hợp tăng giảm từng yếu tố theo ý muốn (và nhiều khi là ngoài ý muốn) của nhiếp ảnh gia để đạt được hiệu ứng ánh sáng tối ưu so với mong muốn cho bức ảnh. Ở cùng một tốc độ của chập, khẩu độ mở càng lớn và ISO càng cao thì ảnh càng sáng; ở cùng một khẩu độ mở, tốc độ càng chậm và ISO càng cao thì ảnh cáng sáng; ở cùng một chỉ số ISO, tốc độ cửa chập càng chậm và khẩu độ mở càng lớn thì ảnh cũng càng sáng. Để làm cho bức ảnh tối đi, bạn có thể tăng tốc độ cửa chập, giảm khẩu độ mở hoặc hạ chỉ số ISO (hoặc kết hợp cả ba). Lưu ý, tỷ lệ giữa các yếu tố tốc độ cửa chập, khẩu độ mở và ISO còn ảnh hưởng tới nhiều hiệu ứng của bức ảnh như chiều sâu ảnh trường, độ nhiễu, v.v…
Hiện tượng thiếu sáng ở góc ảnh (vignet):
Underexposure of image corners produced deliberately by shading or unintentionally by inappropriate equipment, such as unsuitable lens hood or badly designed lens. A common fault of wide-angle lenses, owing to reflection cut-off, etc. of some of the very oblique rays. May be caused in some long-focus lenses by the length of the lens barrel. Hiện tượng góc ảnh bị thiếu sáng (under-exposure) do người chụp cố ý tạo ra hoặc xuất hiện ngoài mong muốn do sử dụng các thiết bị không phù hợp như ống kinh kém chất lượng hay vành chắn ống kính (lens hood) không thích hợp. Hiện tượng này cũng thường xảy ra ở các ống kích góc rộng do một phần của chùm tia sáng qua ống kính không được phản xạ đầy đủ trên phim hay cảm biến. Nhiều nhiếp ảnh gia đã tận dụng hiện tượng này để tạo tính nghệ thuật đặc biệt cho các bức ảnh có độ tối và mờ ở góc và viền ngoài của ảnh.
Bù phơi sáng (exposure compensation):
Bù phơi sáng là một khái niệm của nhiếp ảnh kỹ thuật số. Hình ảnh được ghi nhận ở một máy ảnh KTS là kết quả của các tính toán được lập trình trước trên máy. Căn cứ vào chế độ phơi sáng (với các yếu tố tốc độ cửa chập, khẩu độ mở và ISO), máy ảnh KTS sẽ tính toán ánh sáng cho bức ảnh, ví dụ ở chế độ ưu tiên tốc độ của chập (shutter priority), sau khi được đặt ở một tốc độ nhất định, máy sẽ tính toán khẩu độ mở thích hợp (theo lập trình trên máy) để cho ra một bức ảnh có ảnh sáng tốt nhất.
Tuy nhiên, trong nhiều trường khợp khác thường như nguồn sáng phân bố không đều, hậu cảnh quá sáng hoặc quá tối ảnh hưởng tới toàn bộ cảnh chụp, máy ảnh KTS sẽ đo sáng thiếu hiệu quả, dẫn đến ảnh quá sáng hoặc quá tối. Để khắc phục điều này, người chụp có thể ghi chép lại các thông số đo sáng tự động của máy, sau đó chuyển sang chế độ cơ hoàn toàn (Manual / M) và điều chỉnh các yếu tố phơi sáng tăng giảm theo ý mình. Tuy nhiên, làm như vậy rất mất thời giờ. Cách đơn giản hơn là tận dụng chức năng bù phơi sáng có ở phần lớn các máy KTS, và ở tất cả các máy DSLR. Với chức năng này, máy vẫn đặt ở chế độ nhất định và người chụp chỉ cần điều chỉnh chỉ số bù phơi sáng (EV +/-) để làm cho bức ảnh sáng hơn hoặc tối hơn so với những tính toán đo sáng của máy. Một trong những ứng dụng phổ biến của chức năng bù phơi sáng là tăng sáng của ảnh trong điều kiện hậu cảnh quá sáng. Trong trường hợp như vậy, nguồn sáng đằng sau đối tượng muốn chụp quá sáng làm, làm cho máy bị đánh lừa, tính toán ảnh tối đi, làm đối tượng cần chụp trở nên quá tối. Để đối tượng cần chụp sáng và rõ chi tiết hơn, cần tăng bù phơi sáng (EV +).
Gói phơi sáng (exposure bracketing):
Để điều chỉnh bù phơi sáng, người chụp cần điều chỉnh phơi sáng +/- (thông thường là vừa ấn một nút “bù phơi sáng” và vặn tiến lui một bộ phận nào đó trên thân máy). Với những khoảng khắc quan trọng, nhiếp ảnh gia thường chụp một lúc 3 bức liền, một bức đúng như máy ảnh tính toán, một bức bù phơi sáng cộng (sáng hơn) và một bức bù phơi sáng trừ (tối hơn). Việc làm này gọi là gói phơi sáng (bracketing). Tuy nhiên, hiện nay, nhiều máy ảnh DSLR có chức năng gói phơi sáng tự động nhanh và tiện lợi hơn nhiều so với điều chỉnh từng bức ảnh.
Với chức năng này, nhiếp ảnh gia có thể chụp liền một lúc (thông thường) 3 bức ảnh, một bức ở chế độ ánh sáng do máy đã đo đạc, một bức ở chế độ cộng bù sáng và một bức ở chế độ trừ bù sáng (tỷ lệ cộng trừ thường ở 1/3 EV). Để sử dụng chức năng này, bạn chỉ cần vừa bấm và giữ một nút gói phơi sáng (BKT) và nhấn chụp. Máy sẽ tự động chụp liền 3 kiểu 0 +/- EV để bảo đảm cho ra một bức có ánh sáng tối ưu nhất.
Cân bằng trắng (white balance – WB):
Một chức năng của các máy ảnh (và máy quay video) kỹ thuật số giúp máy nhận biết đúng các màu sắc khác nhau qui từ màu trắng chuẩn khi cân bằng với các màu khác trong các môi trường ánh sáng khác nhau. Chức năng cân bằng trắng giúp máy nhận biết thế nào là màu trắng chuẩn để từ đó định nghĩa các màu sắc khác đúng (hay gần đúng) với mắt người nhận biết. Chức năng này còn được nhiều nhiếp ảnh gia vận dụng để tạo các hiệu ứng màu sắc mong muốn. Các chế độ mặc định thường thấy trên các máy ảnh số ngày nay là: tự động cân bằng trắng (auto), đèn dây tóc hay đèn đỏ (incandescent/tungsteng), đèn tuýp hay đèn nê-ông (fluorescent/neon), trời nắng (sunlight), trời râm (cloudy), trong bóng râm(shade), đèn ảnh (flash), hay theo nhiệt độ màu Kelvin (K).
JPEG hay JPG (đọc là: djây-péc-g):
Là định dạng ảnh nén kỹ thuật số do Hiệp hội báo chí và nhiếp ảnh qui định. Định dạng JPEG/JPG là định dạng được dùng phổ biến trên các máy ảnh kỹ thuật số và cũng là định dạng phổ biến nhất trên internet ngày nay. Ưu điểm của định dạng này là giúp tạo được hình ảnh số với kích cỡ tệp tin (file size) nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm chính của định dạng này là làm mất màu sắc và cả chi tiết (lossy) do phải nén nhỏ lại. Khi chụp ảnh kỹ thuật số, để bảo đảm thu nhận đầy đủ màu sắc và chi tiết lưu vào tệp ảnh, luôn luôn nên để ảnh lớn tối đa mà máy ảnh kỹ thuật số cho phép do càng nén nhỏ thì ảnh càng bị mất nhiều màu sắc và chi tiết. Tuy nhiên, nếu dung lượng thẻ nhớ không cho phép, người chụp có thể giảm kích cỡ ảnh theo nhu cầu sử dụng của mình như sử dụng để hiển thị trên máy tính hay để in ảnh. Ảnh càng lớn thì khả năng phóng to (cả trên màn hình vi tính và in ảnh trên giấy ảnh) không bị rạn vỡ chi tiết và nhòe màu càng cao. Trên hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số, các kích cỡ mặc định thường được ký hiệu L / Large (lớn), M / Medium (trung bình) và S / Small (nhỏ). Các thông số này có thể được kết hợp với Fine (mịn) và Normal (thông thường); ví dụ ảnh Medium + Fine sẽ có kích thước tệp tin lớn hơn so với Medium + Normal và cho hình ảnh đẹp hơn so với Small + Fine. Những kích thước này có giá trị thực tế như thế nào phụ thuộc loại máy ảnh và các phân chia trên từng máy ảnh. Để đánh giá đúng và đặt chế độ phù hợp, người chụp nên thử các kích cỡ mặc định trên máy, sau đó phân tích trên máy vi tính hay in thử để đặt chế độ tối ưu trong các trường hợp khác nhau.
RAW (đọc là: ro):
Định dạng ảnh thô là một định dạng tệp tin ảnh kỹ thuật số thường thấy trên các máy ảnh số DSLR. Ở định dạng RAW, ảnh không bị nén nhỏ lại sau khi đã chụp. Khi đặt ở chế độ ảnh thô (raw), máy ảnh kỹ thuật số sẽ lưu lại toàn bộ các thông số về ánh sáng và chi tiết của một kiểu ảnh (với khả năng tối đa của từng máy). Vì thế, định dạng raw cho hình ảnh giàu thông tin và chi tiết hơn, tạo khả năng chỉnh sửa tốt hơn trên các phần mềm chỉnh sửa ảnh số. Nhược điểm của định dạng raw là kích thước tệp ảnh lớn và bắt buộc phải xử lý bằng phần mềm trước khi có thể sử dụng trên internet hay đem in ảnh. Với định dạng raw, tất nhiên người chơi ảnh phải biết thêm cách sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh mà đôi khi hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và thực tập mới làm chủ được. Ghi chú: Nhiều máy ảnh cho phép người chụp lưu ảnh trên hai định dạng cùng lúc (vừa JPEG vừa RAW). Hãy tìm hiểu kỹ máy ảnh của bạn để sử dụng hiệu quả hơn.
EXIF (Exchangeable Image File):
Định dạng tệp tin ảnh kỹ thuật số qui chuẩn với nhiều thông số kỹ thuật trong đó có thông số về: thời gian phơi sáng (exposure time), tiêu cự (f-number), tiêu cự (focal length), chỉ số ISO, khẩu độ mở (apature), ngày tháng (date/time), chế độ lấy nét (metering mode), chế độ đèn (flash), loại máy ảnh sử dụng (camera model), phần mềm sử dụng để xử lý ảnh (software), và các thông số khác. Ghi chú: Khi đăng tải ảnh trên internet, bạn cần lưu ý có nên giữ các thông số này hay nên xóa bỏ khỏi thông tin EXIF (EXIF data).

0 comments:

Post a Comment

 
Toggle Footer
Top